logo intro
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN WEBSITE CỦA CHÚNG TÔI!

Tìm hiểu thông tin về cây cà phê tại Việt Nam

Ngày đăng: 08/03/2023 05:06 PM
    Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu một số thông tin về cây cà phê: Nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm sinh trưởng, phân loại các giống cà phê. Đây là bước đầu tiên khá quan trọng trước khi đi sâu vào tìm hiểu kỹ thuật trồng cà phê. Mời bà con cùng tham khảo

    Nguồn gốc cây cà phê tại Việt Nam

    Cà phê là loại cây ngoại nhập không phải cây bản địa tại Việt Nam, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi. Cây thuộc họ thiến thảo (Rubiaceae) trong họ thực vật này lại chia thành nhiều chi nhỏ, trong đó cây cà phê mà chúng ta trồng thuộc chi Coffea (chi cà phê). Tuy nhiên không phải loài nào trong chi Coffea cũng chứa chất caffein. Một số cây còn có hình thái thực vật khác xa cây cà phê như canh-ki-na, câu đằng, cây nhàu…

    Cây cà phê lần đầu tiên được trồng tại Việt Nam vào khoảng năm 1870 do những giáo sĩ người Pháp mang đến, ban đầu chủ yếu là cây cà phê chè, được trồng trong khuôn viên một số nhà thờ ở Kontum, Quảng Bình, Hà Nam… Về sau theo chân quá trình thuộc địa hóa, người Pháp bắt đầu mở rộng quy mô thành những đồn điền lớn. Đồn điền cà phê đầu tiên được thành lập năm 1888 tại Kẻ Sở – Bắc Kỳ (nay thuộc Hà Nam). Các giống cà phê cũng bắt đầu đa dạng hơn, chủ yếu thuộc ba giống là:

    Cà phê chè (Tên khoa học Coffea Arabica): Chiếm 61% sản lượng cà phê thế giới
    Cà phê vối (Tên khoa học Coffea Robusta): Chiếm 39% sản lượng cà phê thế giới
    Cà phê mít (Tên khoa học Coffea Liberica): Chiếm ít hơn 1% sản lượng
    Ngày nay diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam thuộc top đầu của thế giới, chủ yếu được trồng nhiều tại Tây Nguyên, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước… và một số tỉnh thành khác trên khắp cả nước. Là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân.

    Công dụng và cách dùng cà phê
    Tên gọi thuốc uống mang tên cà phê tại Việt Nam được bắt nguồn từ chữ Café trong tiếng Pháp. Có nhiều cách pha chế khác nhau nhưng phổ biến nhất là rang hạt cà phê đã phơi khô, sau đó xay thành bột, dùng nước nóng ngâm trong phin hoặc máy ép để ép lấy nước cốt, bỏ phần bã. Khi uống có thể uống kèm với đường, sữa và đá tùy theo khẩu vị.

    Ngoài ra chất caffein trong hạt cà phê còn được dùng trong sản xuất bánh kẹo, nước giải khát và dược phẩm. Với công dụng kích thích hệ thần kinh, tạo ra sự tỉnh táo, tăng cường hiệu suất làm việc nhất là những công việc liên quan đến trí óc. Tuy nhiên với liều lượng lớn có thể gây ra ngộ độc: chân tay bủn rủn, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…