logo intro
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN WEBSITE CỦA CHÚNG TÔI!

Quản lý dinh dưỡng và kỹ thuật bón phân cho cà phê

Ngày đăng: 08/03/2023 05:00 PM
    Quản lý dinh dưỡng cây cà phê kết hợp với kỹ thuật bón phân cho cà phê đúng cách sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, cây phát triển bền vững. Đây là một bước quan trọng trong quy trình trồng cà phê hiệu quả. Sau đây là một số kinh nghiệm và tài liệu mà vườn ươm cây giống Bách Thiên tổng hợp được về chủ đề này.

    Điều kiện đất để trồng cà phê

    Nhìn chung cà phê không yêu cầu khắt khe về đất trồng, miễn là đất thoát nước tốt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, pH đất trồng từ 4,5 – 5.0, tầng đất mặt (tầng đất canh tác) đủ sâu từ 80cm trở lên. Có thể trồng cà phê trên đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha, tuy nhiên để đạt năng suất cao nhất đúng theo thông số của giống cà phê, thì vùng Tây Nguyên là thích hợp nhất.

    Đăk Lăk, Gia Lai: Thích hợp trồng các giống cà phê TR4, cà phê TR9, cà phê TRS1… Đây là các giống do Viện KH NLN Tây Nguyên (Viện Eakmat) nghiên cứu và tuyển chọn
    Lâm Đồng, Đăk Nông: Thích hợp với các giống cà phê xanh lùn, cà phê lá xoài, cà phê Hữu Thiên…
    Nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê
    Cây cà phê cần rất nhiều dinh dưỡng, nhiều nhất là kali sau đó đến đạm. Nguồn dinh dưỡng cần để cây tạo 1 tấn nhân (đối với cây cà phê vối) là 34,2kg N (Đạm) + 6,1kg P2O5 + 46,9kg K2O (Kali) + 4,1kg MgO + 4,3kg CaO và các trung vi lượng khác

    Các biểu hiện và triệu chứng thiếu phân trên cây cà phê

    Thiếu đạm: Cây sinh trưởng chậm, thấp lùn, ít cành, ít chồi mới, lá nhỏ, mép lá chuyển thành màu vàng rồi vàng úa, bắt đầu từ các lá già sau đó đến lá non. Những lá nằm sâu trong thân, nằm dưới lá khác vẫn giữ được màu xanh. Bên cạnh đó, thiếu đạm còn làm đầu cành bị khô, lá rụng dần, dẫn đến cành trơ trụi, năng suất sụt giảm, ít quả, quả dễ rụng, chất lượng nhân kém
    Thiếu kali: Trên lá xuất hiện các đốm hoặc sọc vàng hơi đỏ, sau đó chuyển thành nâu đen và đan dọc rìa lá, các dấu hiệu này thường xuất hiện từ chóp lá, từ rìa lá lan dần vào trong, làm lá khô dần và rụng nhiều, đặc biệt vào đầu mùa lạnh khi có gió lạnh. Cây trút lá nhiều dẫn đến cành trơ trụi. Thiếu kali còn làm cho năng suất giảm, ít quả, quả nhỏ, quả rụng nhiều, số lượng quả 1 nhân, quả lép hạt xuất hiện nhiều, chất lượng nhân giảm
    Thiếu lân: Thường dễ nhận thấy ở các lá già của cành mang nhiều quả. Lá nhợt nhạt, có màu vàng chanh dần chuyển sang hồng. Thiếu lân nặng lá sẽ chuyển màu đỏ xỉn, nâu tím rồi chết. Triệu chứng thường bắt đầu từ chóp lá, sau lan dần ra toàn bộ lá, lá non có màu xanh tối, dễ rụng. Thiếu lân làm cho rễ kém phát triển, cây hóa gỗ chậm, ít hoa, hoa nở rải rác không tập trung, tỷ lệ đậu quả kém, năng suất chất lượng quả đều giảm
    Thiếu canxi: Chóp lá cong không đều vào phía trong, cây yếu dễ đổ ngã, gãy cành, rễ kém phát triển, dễ bị sâu bệnh tấn công
    Thiếu magiê: Ban đầu các gân lá từ xanh sẫm chuyển thành các vệt màu xanh ôliu lan từ giữa lá ra phía ngoài. Xuất hiện những vệt vàng song song với gân chính, sau đó lan rộng ra. Vùng giữa các gân lá chuyển từ màu xanh ôliu sang xanh lá mạ rồi sang vàng và cuối cùng thành màu đồng thau, lá rụng nhiều, năng suất và chất lượng thấp. Thiếu magiê có thể là do đất thiếu magiê hoặc canh tác nhiều năm nhưng không bón phân có chứa Mg hoặc do bón quá nhiều Kali.
    Thiếu lưu huỳnh: Các chùm lá cà phê non trên cùng chuyển từ xanh sẫm sang màu vàng nhạt, đặc biệt xuất hiện trên lá non, rìa (mép) lá bị uốn cong, lá giòn, dễ gãy, dễ rách và khô từ ngoài mép vào trong lá. Các lá già bị rụng nhiều, chỉ còn các lá non có màu vàng nhạt, năng suất và chất lượng đều giảm. Thiếu lưu huỳnh thường xuất hiện rõ ở các cây kiến thiết cơ bản. Thiếu lưu huỳnh có thể do đất thiếu lưu huỳnh hoặc do chỉ bón các loại phân không có S.
    Thiếu kẽm: Lá nhỏ, hẹp bề ngang, hệ thống gân nổi trên nền lá xanh nhạt hoặc vàng. Chùm lá trên ngọn mọc sít nhau. Các chồi non phát triển chậm, không vươn ra được. Khi thiếu trầm trọng, lá bị chết và rụng. Thiếu kẽm làm cho cây cà phê không thể phát triển được, năng suất rất thấp dù có bón nhiều phân đa lượng.
    Thiếu Bo: Các chồi non bị chết, lá non ra như cái quạt, lá biến dạng, một bên mép lá ngắn lại làm cho lá cong queo, bản lá hẹp và dài, chóp lá có màu xanh ôliu hoặc xanh vàng. Thiếu bo làm số hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, quả non rụng nhiều, năng suất và chất lượng thấp. Sự thiếu hoặc thừa bo có quan hệ chặt chẽ với hàm lượng canxi trong lá. Nếu canxi trong lá cao thì mức độ ngộ độc bo giảm, ngược lại nếu hàm lượng canxi thấp thì dù nồng độ bo thấp cây cũng có thể bị ngộ độc.
    Thiếu mangan: Các cặp lá trưởng thành trên đầu cành chuyển từ màu vàng sang xanh nhạt, hay từ xanh ô liu thành màu vàng có đốm trắng, lá rụng nhiều, Thiếu mangan dẫn tới năng suất thấp, chất lượng giảm.